Tổng quan

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển được thành lập theo Quyết định số 596/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/02/2001. Chức năng hoạt động được quy định tại Quyết định số 28/QĐ-ĐHKT-TCHC của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM ngày 8/3/2001. Đồng thời, chức năng được bổ sung theo Quyết định số 3249/QĐ-ĐHKT-TCHC của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM ngày 30/8/2016.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển là cơ quan nghiên cứu kinh tế ứng dụng chủ đạo của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, có chức năng tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học kinh tế vào thực tiễn.

Trong quá trình hoạt động, hoạt động nghiên cứu không ngừng nâng cao việc nghiên cứu vận dụng các mô hình lý thuyết vào thực tiễn tại các địa phương, các doanh nghiệp. Viện đã xây dựng thành công hình ảnh, thương hiệu về chức năng nghiên cứu thể hiện thông qua số đề tài đặt hàng từ các địa phương, số lượng đề tài nghiên cứu, tư vấn thành công ngày càng tăng.

Tính đến năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển đã thực hiện trên 300 đề tài nghiên cứu và tư vấn địa phương, doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, Viện thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu, tư vấn, trong đó, số lượng có xu hướng ngày càng tăng đặc biệt trong giai đoạn 2001-2016.

Đội ngũ nghiên cứu của Viện thực hiện các công trình nghiên cứu được huy động từ các cán bộ nghiên cứu của Viện, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước tham gia.

Hiện nay, Viện đã thực hiện ký hợp đồng liên kết nghiên cứu với nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các Viện, Khoa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng khả năng khai thác và huy động năng lực, nhân lực thực hiện các công trình nghiên cứu do Viện chủ trì.

Các hướng nghiên cứu chính

Viện thực hiện tập trung 3 hướng nghiên cứu chính:
(i) Thực hiện các nghiên cứu ứng dụng Khoa học công nghệ các cấp trên các lĩnh vực Khoa học kinh tế, xã hội và nhân văn. Các cấp nghiên cứu chính gồm: Đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở.
(ii) Thực hiện các công trình tư vấn cấp địa phương: Theo nhu cầu, đặt hàng từ các địa phương, Viện thực hiện xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển tổng thể kinh tế xã hội cấp tỉnh, huyện, thành phố, và các ngành kinh tế, xã hội và nhân văn.
(iii) Thực hiện tư vấn theo đơn đặt hàng, đánh giá sự hài lòng của khách hàng, tư vấn tái cấu trúc, xây dựng chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các mô hình nghiên cứu

Các mô hình nghiên cứu được Viện thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và vận dụng, ứng dụng vào các công trình nghiên cứu thực tiễn tại địa phương, doanh nghiệp phù hợp với xu hướng nghiên cứu theo định hướng của các tổ chức phi chính phủ, có tầm ảnh hưởng thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các hướng nghiên cứu quy hoạch của các nước như: Pháp, Nhật, Mỹ,….

Kỳ vọng

Việc vận dụng lý thuyết vào từng bối cảnh nghiên cứu cụ thể, xây dựng khung lý thuyết phù hợp với sự phát triển của từng địa phương, doanh nghiệp và đề xuất các quyết định, hệ thống giải pháp phù hợp với từng địa phương, từng doanh nghiệp cụ thể là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạt động nghiên cứu ứng dụng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển.

Việc nghiên cứu vận dụng các mô hình phát triển trong địa phương, doanh nghiệp hiện nay là khá quan trọng trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày càng sâu, rộng của Việt Nam, hỗ trợ các nhà lãnh đạo đón đầu xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Vận dụng lý thuyết linh hoạt trong từng bối cảnh cụ thể hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp tránh được chủ nghĩa kinh nghiệm, tình trạng “võ đoán” trong hoạt động điều hành và định hướng kinh doanh.

Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển vinh hạnh đồng hành Quý nhà lãnh đạo, Quý doanh nghiệp cùng các xu hướng trên.                                                                                


Đối tác toàn cầu của IDR