Phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030
Cấp quản lý: | 1. UBND Tp.HCM 2. Sở Công thương Tp.HCM |
Mã số đề tài: | |
Chủ nhiệm đề tài: | Nguyễn Trọng Hoài |
Thư ký đề tài: | Nguyễn Duy Tâm |
Cơ quan chủ trì: | Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Viện Nghiên cứu Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Luật, Trung tâm Kinh tế Miền Nam |
Cơ quan chủ quản: | 1. UBND Tp.HCM 2. Sở Công thương Tp.HCM |
Thời gian thực hiện: | 2015 |
Tình trạng thực hiện: | Đang thực hiện |
Lĩnh vực khoa học đề cập: | Kinh tế |
Tài liệu đề tài: | Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, phụ lục, dữ liệu |
Nơi lưu giữ tài liệu: | 1. Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM 2.Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR) 3. Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) 4. Trường Đại học Kinh tế - Luật 5. Trung tâm Kinh tế Miền Nam |
1. Mục tiêu của đề tài
Phân tích thực trạng công nghiệp hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống để tìm ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Phân tích các điều kiện và rào cản phát triển của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được xác định.
Định hướng phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Đề xuất các chương trình-dự án cụ thể để triển khai thực hiện.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu
Đối tượng: công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo định hướng ưu tiên của Thành phố: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm; và 2 ngành công nghiệp truyền thống là Dệt - May và Da - Giày.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu:
- Ngành cơ khí: đề tài nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của 1 ngành cấp 3 và 4 ngành kinh tế cấp 2: Đúc kim loai (mã 243), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (mã 25); sản xuất thiết bị điện (mã 27); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (mã 28); sản xuất xe có động cơ (mã 29).
- Ngành điện tử - công nghệ thông tin: đề tài nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của ngành kinh tế cấp 2: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (mã 26). Ngành sản xuất phần mềm không nghiên cứu. Nguyên nhân chính là công nghiệp hỗ trợ cho ngành này không được xác định rõ do đặc điểm của ngành là quy trình sản xuất phần mềm được khép kín từ công đoạn thiết kế chương trình đến viết chương trình và xuất khẩu cho công ty mẹ ở nước ngoài.
- Ngành hóa dược - cao su: đề tài nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của ngành kinh tế cấp 2: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (mã 22). Không nghiên cứu nhóm ngành hóa chất (do ô nhiễm) và nhóm ngành dược phẩm (do không thuộc Sở Công thương quản lý).
- Ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm: đề tài nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của ngành kinh tế cấp 2: sản xuất chế biến thực phẩm (mã 10); sản xuất đồ uống (mã 11).
- Ngành Dệt - May: sản phẩm dệt (mã 13), sản phẩm phục trang (mã 14)
- Ngày Da - Giày: da và sản phẩm có liên quan (mã 15).
Phạm vi điều tra khảo sát:
- Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào được tập trung phân tích nhằm xác định khả năng cung ứng các linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm (phía đầu vào) và doanh nghiệp sản xuất thành phẩm được phân tích các điều kiện về nhu cầu các linh kiện, phụ tùng và bán thành phẩm (phía thị trường). Doanh nghiệp sản xuất thành phẩm và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nằm ở Khu công nghệ cao và 15 khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp khác. Ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các triển lãm quốc tế gần đây (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu)
- Phạm vi thời gian: tiến hành phân tích thực trạng trong năm 2010-2014 và dự kiến các định hướng/giải pháp/chương trình/dự án cho giai đoạn 2015-2025.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng dữ liệu thứ cấp được cung cấp bởi Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh và bằng phương pháp thống kê mô tả, so sánh phân tích vai trò của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống của Thành phố, cũng như chỉ ra sự cần thiết phải có chính sách đặc biệt phát triển CNHT cho 4 ngành này ở quy mô Thành phố.
Nghiên cứu định tính qua phỏng vấn sâu: căn cứ vào lý thuyết chuỗi giá trị và quy trình sản xuất của một ngành (đầu vào-sản xuất-đầu ra), căn cứ vào hiện trạng thực tiễn các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố về bốn ngành công nghiệp trọng yếu tiến hành soạn thảo dàn bài thảo luận chuyên gia, phỏng vấn sâu. Sử dụng dàn bài để thảo luận với đại diện các doanh nghiệp và các hiệp hội thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống.
Thiết kế bảng phỏng vấn: trên cơ sở nghiên cứu định tính nhóm tư vấn phát triển thành các bảng phỏng vấn (bao gồm các câu hỏi định tính và câu hỏi định lượng) khảo sát nhằm mô tả cấu trúc hoạt động của từng ngành CNHT và nhận diện các sản phẩm, linh kiện, phụ tùng có thể phục vụ cho các sản phẩm hoàn chỉnh, nhận dạng các rào cản về công nghệ, chi phí sản xuất, kết nối thông tin, chính sách hỗ trợ, quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực. Đối tượng nghiên cứu định lượng này bao gồm các doanh nghiệp có khả năng cung cấp các sản phẩm hỗ trợ và tiếp cận thị trường các doanh nghiệp có nhu cầu về các sản phẩm hỗ trợ.
Nghiên cứu định lượng: bảng câu hỏi điều tra doanh nghiệp được thiết kế để khảo sát các doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống. Sử dụng công cụ thống kê mô tả, so sánh để phân tích chuỗi giá trị hoạt động cho từng ngành nhằm chỉ ra nhóm điểm mạnh, các rào cản của nhóm doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ và các rào cản từ các nhóm doanh nghiệp có nhu cầu về sản phẩm hỗ trợ, là cơ sở để đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển CNHT cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và các nhà làm chính sách: Trên cơ sở kết quả phân tích và các định hướng giải phát được đề xuất từ đó, Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia nhằm kiểm chứng lại sự phù hợp của kết quả và khám phá thêm các định hướng giải pháp mới. Các chuyên gia đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, các cơ quan hợp tác quốc tế (Jetro, Kotra), các hiệp hội ngành nghề liên quan đến 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống, các chuyên gia hoạch định chính sách phát triển công nghiệp.
3. Kết quả nghiên cứu
Đề án đã xây dưng lộ trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ cho 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm: Ngành Cao su – Nhựa, ngành Cơ khí, ngành Điện tử - CNTT, ngành Lương thực thực phẩm và 2 ngành công nghiệp truyền thống gồm: Ngành Dệt may và ngành Da giày.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu của Đề án đã đề xuất danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 phù hợp với điều kiện nguồn lực của Thành phố xét trong bối cảnh nghiên cứu hiện nay.
Đề tài liên quan
STT | TÊN ĐỀ TÀI | CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
---|---|---|
01 | Xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp phát triển bền vững | Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM |