Xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp phát triển bền vững

Cấp quản lý: Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM
Mã số đề tài:
Chủ nhiệm đề tài: Trần Tiến Khai
Thư ký đề tài: Nguyễn Duy Tâm
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển
Cơ quan chủ quản: Sở Khoa học
và Công nghệ TP.HCM
Thời gian thực hiện: 2015
Tình trạng thực hiện: Đã phê duyệt
Lĩnh vực khoa học đề cập: Kinh tế
Tài liệu đề tài:

Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, phụ lục, dữ liệu

Nơi lưu giữ tài liệu: Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM; Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR)

1. Mục tiêu của đề tài

1.1. Mục tiêu tổng quát

Đề tài nhằm đúc kết cơ sở lý luận về xây dựng nông thôn mới và khảo sát thực tế xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh để phân tích đánh giá cách tiếp cận, phương thức xây dựng nông thôn mới và các kết quả đạt được. Từ đó đề xuất các giải pháp chính sách xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh theo hướng phối hợp và phát huy tốt nhất các nguồn lực nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả và bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Đề tài được xây dựng nhằm giải quyết các mục tiêu sau đây:

  • Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về phát triển nông thôn, vận dụng vào bối cảnh kinh tế - xã hội và thể chế của Việt Nam, cụ thể trong trường hợp TP. Hồ Chí Minh để xây dựng nền tảng lý luận cho xây dựng nông thôn mới.

  • Đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh, rút ra các bài học kinh nghiệm và các vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết cho tiến trình xây dựng nông thôn mới.

  • Đề xuất hệ thống chính sách giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững ở TP. Hồ Chí Minh

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu

Đề tài thực hiện trên địa bàn các huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh và các xã xây dựng nông thôn mới. Tất cả có 14 xã mục tiêu bao gồm 8 xã thuộc huyện Củ Chi, 1 xã thuộc huyện Nhà Bè, 1 xã thuộc huyện Hóc Môn, 2 xã thuộc huyện Bình Chánh và 2 xã thuộc huyện Cần Giờ.

Về phạm vi học thuật, đề tài tập trung làm rõ thực trạng xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh trên bốn phương diện chủ yếu là: 1) bản chất và đặc trưng của nông thôn mới TP.Hồ Chí Minh; 2) tiếp cận xây dựng nông thôn mới; 3) nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và 4) đo lường nông thôn mới. Các vấn đề khác, nếu được nghiên cứu, không mang tính chủ yếu trong phạm vi học thuật của đề tài này.

Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề về đặc điểm và bản chất của nông thôn mới, phương thức tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới, phương thức đầu tư và phương thức đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn (ở 19 tiêu chí).

Đơn vị nghiên cứu là 14 xã xây dựng nông thôn mới thuộc phạm vi nghiên cứu. Các đối tượng khảo sát là Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp thành phố, huyện, xã; các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp và cư dân nông thôn trên các địa bàn nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Cách tiếp cận nghiên cứu của đề tài là lịch sử và hệ thống, cụ thể là:

  • Dựa trên lý thuyết và kinh nghiệm vận dụng phát triển nông thôn của các nước trên thế giới để làm nền tảng khoa học và cơ sở lý luận cho xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh.
  • Xác định đặc trưng của nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh trong tương lai ở các phương diện vật chất, văn hóa, tinh thần, con người.
  • Đặt nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh quy hoạch phát triển đô thị của thành phố, theo tiếp cận tiến trình phát triển.
  • Đánh giá phương thức xây dựng nông thôn mới của thành phố để rút ra bài học kinh nghiệm.

Đề tài áp dụng phương pháp nghiên cứu phối hợp, bao gồm cả phương pháp định tính và định lượng. Các phương pháp phân tích sau đây dự kiến sẽ được áp dụng:

  • Áp dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn (desk study).
  • Để thu thập thông tin, dữ liệu, đề tài áp dụng các phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn nhóm (focus group), đánh giá nông thôn có sự tham gia (Participatory Rural Appraisal) và điều tra xã hội học.
  • Áp dụng phương pháp thống kê mô tả để đánh giá tiến trình phát triển dựa trên cơ sở dữ liệu của các xã nông thôn mới ở TP.HCM kết hợp với thông tin khảo sát bổ sung của đề tài để tổng kết kết quả xây dựng nông thôn mới.

2.3. Phương pháp chọn mẫu và phương thức điều tra

Để thu thập thông tin về các hoạt động xây dựng nông thôn mới, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND huyện Củ Chi và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, các Ban Quản lý nông thôn mới 14 xã mục tiêu, lãnh đạo Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn, lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Công ty Saigon Tourist.

Để thu thập thông tin về xây dựng nông thôn mới ở cấp xã và sự tham gia của cư dân nông thôn vào xây dựng nông thôn mới, đề tài áp dụng phương pháp định tính để thu thập thông tin là chủ yếu, và phương pháp chọn mẫu được áp dụng là chọn mẫu phi xác xuất, cụ thể là phương pháp chọn mẫu định mức không tỷ lệ (non-proprotionate quota sampling) kết hợp với chọn mẫu theo kinh nghiệm (judgment sampling). Nguyên tắc chọn mẫu là chọn được những nhóm người đại diện hoặc cá nhân đại diện cho các tầng lớp xã hội hoặc các nhóm nghề nghiệp khác nhau trong vùng nông thôn.

Ở mỗi xã mục tiêu, chọn 5 nhóm cho phỏng vấn nhóm (focus group), bao gồm đại diện của chính quyền, các đoàn thể - tổ chức dân sự xã hội; doanh nghiệp trên địa bàn; nông dân và cư dân phi nông nghiệp. Các nhóm được tổ chức phỏng vấn chủ yếu tại Ủy ban nhân dân xã. Một vài nhóm được tổ chức phỏng vấn tại ấp.

Thông tin được ghi nhận lại dưới ba hình thức: 1) ghi âm; 2) ghi hình; và 3) biên bản họp. Thông thường, việc ghi âm và viết biên bản được áp dụng cùng lúc để điều tra viên có thể kiểm tra, đối chứng các thông tin ghi nhận được. Các bản ghi âm và biên bản họp này cũng là cơ sở dữ liệu chính cho phân tích và rút ra ý nghĩa.

Song song với các cuộc phỏng vấn nhóm, đề tài chọn điều tra điển hình 20 hộ gia đình cho một xã. Các hộ được chọn dựa trên hai nhóm cư dân chính là nhóm cư dân nông nghiệp và nhóm cư dân phi nông nghiệp với số lượng 10 gia đình/nhóm. Tổng cộng có 283 hộ được điều tra bằng phiếu câu hỏi trên 14 xã.

3. Kết quả nghiên cứu

Thành phố đã thực hiện các giài pháp một cách toàn diện và đồng bộ; kết nối nhiều chương trình, dự án với nhau để phát huy hiệu quả tổng thể; tổ chức bộ máy, huy động nhân lực và đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới để bảo đảm vận hành các cơ chế, chủ trương, chính sách một cách đúng đắn và hiệu quả.

Thành phố hỗ trợ vốn tích cực cho xây dựng nông thôn mới, vận dụng khá hiệu quả các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức khác nhau, không gây ra gánh nặng tài chính cho nhân dân.

Thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các cơ quan chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, tôn giáo ở nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn chuyên nghiệp và khen thưởng, khuyến khích, động viên kịp thời.

Kết quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành công như các cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản đáp ứng cho đời sống sinh hoạt của cư dân nông thôn và là chỗ dựa cho phát triển kinh tế nông thôn.

Các nhóm hộ gia đình nông nghiệp được hỗ trợ vốn chuyển dịch cơ cấu; tham gia các lớp tập huấn nghề nghiệp nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từng nhóm cư dân đều thấy được lợi ích phù hợp với đặc trưng của nhóm nghề nghiệp của mình. Kinh tế hộ phát triển, đời sống gia đình được cải thiện, người nghèo giảm đi.

Các thay đổi về cơ sở hạ tầng nông thôn đã mang lại các tác động tức thời và tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội của hộ gia đình nông thôn, là nguyên nhân chính làm cho người dân cảm thấy chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cư dân nông thôn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế có khả năng làm cho tiến trình xây dựng nông thôn mới không bền vững.

Thành phố chưa vận dụng được tiếp cận phát triển nông thôn theo vùng và chưa dựa trên tính chất đặc thù của nông thôn Thành phố. Do đó, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh ra các bất cập về tính thiếu tương thích giữa một số tiêu chí Nông thôn mới và đặc trưng tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng nông thôn ngoại thành TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, quan hệ giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp chưa được làm rõ.

Có những biểu hiện của sự nôn nóng trong xây dựng nông thôn mới, dẫn đến những hệ lụy khác như áp dụng vốn đầu tư, áp lực giải ngân, và tình trạng đầu tư dàn đều.

Cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới hiện nay của Thành phố là tiếp cận từ trên xuống, chưa thật sự phát huy dân chủ cơ sở và quyền làm chủ tiến trình xây dựng nông thôn mới của cộng đồng cư dân nông thôn. Các nguyên tắc dân chủ cơ sở chỉ mới được thực thi ở mức độ thấp như “dân biết”, “dân bàn”. Người dân chưa thực sự tham gia và làm chủ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhận thức và tâm lý xem cư dân nông thôn chỉ là người thụ hưởng kết quả xây dựng nông thôn mới còn phổ biến trong nhân dân và một phần cán bộ địa phương.

Nguồn lực ngân sách đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở đường và dẫn dắt tiến trình phát triển nông thôn. Tuy nhiên, sự tham gia đầu tư nguồn lực của giới doanh nghiệp chưa rõ nét, chưa tạo ra sự đột phá cho nông nghiệp ngoại thành.

Về phát triển kinh tế nông thôn, còn thiếu vắng những động lực chủ yếu. Doanh nghiệp chỉ sản xuất khép kín, chưa chủ động mở rộng vùng nguyên liệu theo phương thức hợp đồng sản xuất với nông dân ngoại thành, thực hiện mua đứt bán đoạn là chính. Nông dân vẫn sản xuất với quy mô nhỏ, đơn lẻ, tự do và bán trên thị trường truyền thống do hệ thống thương lái thu mua và các thương lái bán sỉ nắm vai trò quyết định. Khả năng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh của nông dân còn hạn chế, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chỉ mới bước đầu phát triển.

Do sự thiếu tương thích của một số tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia, Thành phố phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp để đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần thiết  phải nghiên cứu để phát triển một hệ thống tiêu chí đánh giá sát hợp hơn với điều kiện riêng của nông thôn Thành phố, mang tính “động” và “mềm dẻo”, có thể thay đổi, bổ sung và linh hoạt điều chỉnh được trong từng thời kỳ khác nhau để áp dụng trong dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với các thời kỳ trong tiến trình phát triển của Thành phố.

Vấn đề bảo vệ bản sắc nông thôn chưa được chú trọng một cách rõ ràng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, tiến trình xây dựng nông thôn mới còn gặp phải một số cản ngại như khả năng điều chỉnh chính sách một cách kịp thời; nguồn lực yếu kém và sự trì trệ của người dân; sự không ổn định trong quy hoạch sử dụng đất sản xuất do áp lực đô thị hóa quá mạnh; doanh nghiệp thiếu động lực đầu tư phát triển; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa khắc phục được; khoảng cách chênh lệch mức sống dân cư giữa nông thôn và thành thị còn cách biệt.


Đề tài liên quan

STT TÊN ĐỀ TÀI CƠ QUAN CHỦ QUẢN
01 Phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 1. UBND Tp.HCM
2. Sở Công thương Tp.HCM

Đối tác toàn cầu của IDR