Xây dựng danh mục và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh Trà Vinh
Cấp quản lý: | Cấp tỉnh |
Mã số đề tài: | |
Chủ nhiệm đề tài: | Nguyễn Hữu Dũng |
Thư ký đề tài: | Nguyễn Duy Tâm |
Cơ quan chủ trì: | Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR) |
Cơ quan chủ quản: | Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh |
Thời gian thực hiện: | 2013 |
Tình trạng thực hiện: | Đã phê duyệt |
Lĩnh vực khoa học đề cập: | Kinh tế |
Tài liệu đề tài: | Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, phụ lục, dữ liệu |
Nơi lưu giữ tài liệu: | Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (IDR) |
1. Giới thiệu
Trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ IX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa Trà Vinh sớm ra khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển, rút ngắn khoảng cách so các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở xác định những hướng phát triển có ưu tiên, trọng tâm, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và định hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực hiệu quả. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế… Trong đó, việc xác định và đề xuất các giải pháp phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tỉnh là một trong những ưu tiên trong việc phát triển kinh tế có ưu tiên, đột phá trong thời điểm hiện nay hướng đến năm 2020.
Quá trình phát triển kinh tế của Trà Vinh những năm qua cho thấy GDP bình quân đầu người chưa đạt mức bình quân chung so với khu vực ĐBCSL; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp nhưng tỷ lệ thu hút lao động giữ lại tại địa phương chưa cao; tỷ lệ huy động vốn cho đầu tư phát triển có xu hướng tăng dần, nhưng tính hiệu quả còn chưa thể hiện rõ. Sản xuất nông nghiệp phát triển đa dạng, năng suất ngày càng tăng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng đất canh tác ngày càng giảm do quá trình công nghiệp hóa, hóa chất nông nghiệp đã góp phần làm suy thoái môi trường đất và nước ngày càng nghiêm trọng. Đời sống người dân nông thôn tuy có cải thiện, nhưng vẫn là nơi tập trung nhiều hộ nghèo, tình hình tái nghèo vẫn tiếp diễn; lao động rời nông thôn ra đô thị và dịch chuyển cơ học khỏi địa phươngtìm việc làm ngày càng tăng; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch còn thấp, v.v…
Với thực trạng trên, cần xác định lại những mục tiêu trọng tâm, có ý nghĩa dẫn dắt và góp phần tăng trưởng kinh tế hiệu quả, góp phần giải quyết hàng hóa đầu ra cho nông nghiệp, giải quyết lao động địa phương, giữ lại và thu hút lao động trong và ngoài địa phương là một trong những định hướng quan trọng trong giai đoạn mới, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển các mặt hàng sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ là một phần quan trọng của chiến lược này, ý nghĩa và vai trò ảnh hưởng to lớn của nó đối với việc phát triển kinh tế cũng như sự phát triển của toàn tỉnh. Do vậy, việc xây dựng một cơ cấu các ngành công nghiệp chủ lực hợp lý, phù hợp với khả năng và tình hình sản xuất, phát triển của tỉnh nhằm phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của toàn tỉnh và các doanh nghiệp tham gia quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh trên, Tỉnh cần xác định những sản phẩm có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh và những sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm xác định chiến lược phát triển có trọng tâm trong việc đầu tư và ưu tiên phát triển. Vì vậy, đề tài “Xây dựng danh mục và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh Trà Vinh” được xây dựng để nghiên cứu phục vụ mục tiêu trên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đánh giá một cách đúng đắn, khách quan và đưa ra một số giải pháp chủ yếu để góp phần xây dựng các ngành công nghiệp chủ lực của Trà Vinh đạt hiệu quả cao.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng danh mục những ngành công nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh cho Tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn toàn tỉnh Trà Vinh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Phân tích hệ thống các nguồn lực phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phân tích hiện trạng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phân tích điểm mạnh và điểm yếu theo mô hình SWOT.
Xác định danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh, có lợi thế phát triển trong giai đoạn tới.
Xây dựng hệ thống giải pháp phát triển và đề xuất mô hình tổ chức thực hiện.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: đề tài tập trung vào hai đối tượn ngghiên cứu chính: (1) các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp là những ngành công nghiệp đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, (2) Các sản phẩm công nghiệp được sản xuất trên địa bàn.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Pham vi nghiên cứu của đề tài về mặt không gian, triển khai trên toàn địa bàn tỉnh Trà Vinh vào năm 2014. Trong đó, đề tài giới hạn nghiên cứu xác định sản phẩm chủ lực đối với sản phẩm công nghiệp được sản xuất trên địa bàn.
Hướng đến mục tiêu trên, hệ thống những tiêu chí xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực, đề tài tổng hợp dưới nhiều góc độ xem xét, rà soát khả năng của từng loại sản phẩm được xác định trong danh mục ngành nghề của Tổng cục Thống kê. Trong đó, 4 góc nhìn quan trọng và được triển khai dưới nhiều tiêu chí khác nhau gồm (i) góc nhìn về tính hiệu quả (vốn đầu tư, đóng góp ngân sách, giá trị gia tăng / vốn đầu tư, giá trị gia tăng / lao động,…), (ii) góc nhìn về khả năng giải quyết lao động và (iii) góc nhìn về tính phát triển bền vững, gắn việc phát triển công nghiệp với bảo vệ và ổn định môi trường, (iv) Góc nhìn về xu hướng phát triển phù hợp với xu hướng thị trường và nhu cầu chung trong nước và thế giới.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được triển khai nghiên cứu theo phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, có sự kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định lượng, tập trung lấy nguồn dữ liệu thứ cấp từ các sở, ban, ngành và khảo sát toàn bộ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phương pháp nghiên cứu định tính được triển khai tiến hành song song nhằm tiến hành phỏng vấn sâu, đi vào những vấn đề tồn tại, khó khăn và những xu hướng cần khuyến khích, ưu tiên phát triển đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, từng phương pháp được tiến hành tổng quan sơ lược như sau:
4.1. Phương pháp nghiên cứu định lượng
Đề tài tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các sở, ban, ngành trên toàn địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, dữ liệu thu thập từ Cục Thống kê, sở Công thương, sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ sở quan trọng cho quá trình nghiên cứu về tính xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp. Đề tài phối hợp với Cục Thống kê Trà Vinh triển khai khảo sát toàn bộ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn theo bảng câu hỏi được thiết kế sẵn phục vụ cho nghiên cứu cụ thể vào các tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực. Kết quả của phương pháp nghiên cứu định lượng phần lớn góp phần vào việc xác định sản phẩm chủ lực, xét từ góc độ hiện trạng phát triển của ngành công nghiệp của Trà Vinh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu định lượng chưa chỉ ra được những sản phẩm có tính phát triển tiềm năng, phù hợp với những xu hướng phát triển, phù hợp với bối cảnh mới của cả nước về tính hội nhập và tính phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Kết quả này sẽ được triển khai cụ thể trong nghiên cứu định tính.
4.2. Phương pháp định tính
Hướng đến giải quyết những vấn đề chưa giải quyết được trong phương pháp phân tích định lượng, phương pháp nghiên cứu định tính tiến hành khảo sát, phỏng vấn sâu một số các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt những doanh nghiệp tập trung trong các khu công nghiệp, ưu tiên khảo sát tại những địa giới hành chính có mật độ những doanh nghiệp công nghiệp tập trung cao như thành phố Trà Vinh, huyện Trà Cú,… Đồng thời, đề tài cũng tiến hành nghiên cứu, rà soát hệ thống các định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh và các nghiên cứu về xu hướng phát triển công nghiệp của cả nước, các xu hướng hội nhập của Việt Nam vào nên kinh tế thế giới, nhằm xác định những sản phẩm công nghiệp của tỉnh có khả năng phát triển phù hợp với nguồn lực địa phương và nhu cầu của thị trường trong tỉnh, cả nước và thế giới.
4.3. Công cụ nghiên cứu
Công cụ phân tích nghiên cứu định tính được sử lí trên phần mềm Nvivo. Với phân tích định lượng, được sử dụng chủ yếu với 3 phần mềm: Phần mềm excel cho hệ thống thống kê mô tả và biểu đồ, phần mềm SPSS và Eviews cho phân tích dữ liệu chuổi thời gian và cho dữ liệu khảo sát doanh nghiệp.
5. Đóng góp của đề tài
Đóng góp của đề tài cụ thể qua 3 đóng góp chính:
Thứ nhất: Tổng quan hệ thống cơ sở lý thuyết về xác định danh mục sản phẩm công nghiệp chủ yếu và hệ thống các kinh nghiệm của các tỉnh, thành trong cả nước, các nghiên cứu có liên quan trên thế giới và đề xuất hướng xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực cho Trà Vinh.
Thứ hai: Xây dựng danh mục các chỉ tiêu xác định danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực cho Trà Vinh.
Thứ ba: Xác định danh mục các sản phẩm công ngiệp chủ lực cho Trà Vinh, định hướng danh mục sản phẩm chủ lực cho Tỉnh đến năm 2020.
Thứ tư: Đề xuất những giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ yếu cho Trà Vinh đến năm 2020.
6. Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhóm ngành sản phẩm chủ lực của Trà Vinh được ưu tiên phát triển gồm: Nhóm các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp khai thác lợi thế của Trà Vinh về khoán sản và chế biến lương thực thực phẩm. Nhóm thứ hai tập trugn vào các sản phẩm thuộc ngành sản xuất trang phục, sản xuất da,… và thứ ba, nhóm các sản phẩm được định hướng ưu tiên phát triển từ các sản phẩm thiết bị điện, điện tử, quan học,….
Đề tài liên quan
STT | TÊN ĐỀ TÀI | CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
---|---|---|
01 | Xây dựng luận cứ khoa học cho các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của kinh tế tỉnh Long An trong lộ trình hội nhập vào vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam | Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An |
02 | Nghiên cứu xác định một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010 - Chính sách và giải pháp | Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM |
03 | Thực trạng và giải pháp Marketing địa phương của Tp. Hồ Chí Minh | Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM |
04 | Nghiên cứu cơ cấu đầu tư từ các nguồn vốn trong xã hội ở tỉnh Tiền Giang hiện trạng và giải pháp | Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang |
05 | Khảo sát phân tích đánh giá và đề xuất các giải pháp kinh tế – xã hội nhằm phát triển dân sinh bền vững vùng ngập lũ và vùng khó khăn của Tỉnh Tiền Giang | Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang |